Đêm giao thừa, Chủ tịch nước Lương Cường đọc thư chúc Tết. Như vậy, lần này, Chủ tịch nước không bị Tổng Bí thư tiếm quyền, như ông Nguyễn Phú Trọng từng làm.
Có lẽ, ông Lương Cường không muốn bị mang tiếng là “bù nhìn”, khi ông Tô Lâm liên tục giành lấy công việc của Chủ tịch nước. Gần nhất là lần ông Tô Lâm công khai gạt Chủ tịch nước Lương Cường sang một bên, để trực tiếp trao Huân chương Sao vàng cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm tiếm quyền Chủ tịch nước, không phải là nhầm lẫn hay bất cẩn. Bởi dưới ông, có hàng tá các ban bệ, chuyên sắp xếp lịch làm việc cho Tổng Bí thư, theo đúng quy định của Đảng luật và pháp luật. Việc ông Tô Lâm tiếm quyền ông Lương Cường, chỉ có thể giải thích là do ông muốn thế.
Sau khi chuyển từ Ban Bí thư sang Phủ Chủ tịch, ông Lương Cường rất năng nổ với những hoạt động kéo bè kết cánh. Chuyến đi Chi lê cho thấy sự kết nối giữa ông Cường với các vị trí chủ chốt trong Bộ Quốc phòng. Thậm chí, ông còn lôi kéo ông Trần Quốc Tỏ – một Tướng Công an đang bị cô lập giữa rừng tướng gốc Hưng Yên tại Bộ Công an.
Rồi chuyến thăm Bộ Công an, thăm Kiên Giang, ông Lương Cường lại cùng ông Hồ Đức Phớc – Phó Thủ tướng người Nghệ An, như hình với bóng. Trong khi đó, nhóm Nghệ An lại là nhóm lợi ích chính trị đang bị ông Tô Lâm tấn công mạnh nhất.
Tại Phủ Chủ tịch trong thời khắc giao thừa, ông Lương Cường chỉ cho cắm cờ tổ quốc, không cắm cờ Đảng. Liệu đây có phải là một trường hợp bất thường hay không?
Hình ảnh Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết với cờ tổ quốc, mà không có cờ Đảng, đang bị một số bình luận trên mạng xã hội cho là bất thường. Có người còn so sánh hình ảnh ông Lương Cường chúc Tết năm nay, với hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng chúc Tết khi còn là Chủ tịch nước. Khi đó, tại Phủ Chủ tịch có 2 lá cờ, một lá cờ Đảng và một lá cờ tổ quốc.
Tuy nhiên, nếu xem xét hình ảnh chúc Tết của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng trước đây, thì thấy, 2 ông này cũng chỉ cắm cờ tổ quốc trong Phủ Chủ tịch, không có cờ Đảng.
Về luật, ông Lương Cường là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu nhà nước, nên việc chỉ cắm cờ Tổ quốc là hợp lý, không cần phải cắm thêm cờ Đảng. Có lẽ, việc ông Trọng cắm cùng lúc 2 lá cờ, vì lúc đó ông là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu nhà nước.
Có lẽ, những nước cờ chính trị gần đây của Chủ tịch nước Lương Cường, khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải, Chủ tịch nước Lương Cường quyết “không đội cờ chung” với ông Tô Lâm?
Trên cương vị Chủ tịch nước, ông Lương Cường cũng đã đi những nước cờ hết sức toan tính, từng bước nối kết các thế lực lớn trong quân đội, và nối kết với các thế lực chính trị chống Tô Lâm. Điều này là bước gia cố quyền lực quanh Chủ tịch nước, nhưng nó cũng dần đưa ông Lương Cường tiến đến vị trí đối đầu với ông Tô Lâm trên vũ đài chính trị. Vì thế, sự chia rẽ giữa ông Tô Lâm và ông Lương Cường ngày càng sâu sắc là thực tế. Nhưng không vì thế mà họ “không đội cờ chung”.
Sự chia rẽ trong Đảng Cộng sản Việt Nam ngày một nghiêm trọng. Cho nên, võ đài chính trị hiện không phải chỉ có 2 võ sĩ, mà là nhiều võ sĩ chia phe chia phái “chiến” nhau. Càng về sau, các thế lực nắm giữ lực lượng vũ trang càng nổi lên. Công an đang có nguy cơ sẽ đối đầu với quân đội, qua sự mâu thuẫn giữa ông Tô Lâm và ông Lương Cường ngày một sâu sắc. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, 1 trong 2 người này muốn ly khai khỏi Đảng.
Trần Chương – Thoibao.de