Hà Nội muốn gia tăng mức phạt giao thông

Ngày 29/1, VOA Tiếng Việt loan tin “Vài tháng nữa, Hà Nội phạt lỗi giao thông còn khắc nghiệt hơn cả Nghị định 168?”.
Theo báo chí trong nước, chính quyền Hà Nội đang nhắm đến việc sẽ xử phạt hơn 100 loại lỗi giao thông, ở mức độ khắc nghiệt hơn cả Nghị định 168 gây tranh cãi và chịu nhiều chỉ trích.

VOA cho biết, các trang Dân Trí, VnExpress và Lao Động, tường thuật hôm 26/1 rằng, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất nâng mức phạt gấp từ 1,5 đến 2 lần, so với Nghị định 168, áp vào 107 hành vi vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, và nếu nghị quyết về vấn đề này được Hội đồng Nhân dân thông qua, nó sẽ được áp dụng từ tháng 7 năm nay.
Hà Nội muốn tăng các mức phạt nhằm trấn áp những vi phạm bị xem là có tính phổ biến; là nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc; ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông, tin của Dân Trí, VnExpress và Lao Động viết.

Cụ thể, theo VOA, đó là các hành vi không chấp hành chỉ dẫn, hiệu lệnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu; đi vào đường cấm; sai phần đường, làn đường; dừng đỗ trái quy định; chạy quá tốc độ; chở hàng, xếp hàng quá trọng tải; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách đánh võng; bấm còi, rú ga, v.v…
Theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng, họ thấy sửng sốt, chấn động, lo ngại, hoặc bất bình về động thái mới của Hà Nội, xuất hiện chỉ sau gần 4 tuần Việt Nam áp dụng nghị định 168.
Nghị định này đặt ra các mức phạt cao hơn trước nhiều lần, với những số tiền rất lớn đánh vào các lỗi vi phạm luật lệ giao thông, có thể gấp 4 lần mức lương trung bình của một người trong 1 tháng.

Theo tìm hiểu của VOA, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng trong năm 2024.
Bản thân Nghị định 168 đã gây ra nhiều tranh cãi lẫn chỉ trích trên không gian mạng, từ khi có hiệu lực cho đến nay, với một bên là khá nhiều người ủng hộ mức phạt cao hơn để cải thiện tình hình giao thông, còn bên kia là một lượng lớn những lời phản đối nghị định.
VOA cũng cho biết, nhiều người chống lại Nghị định 168, coi nó là động thái tận thu, bóc lột bằng mọi giá, không nhân văn, gây bất mãn, mà không bảo đảm sẽ giảm vi phạm hoặc tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, họ cũng nêu vấn đề là hạ tầng cơ sở, hệ thống đèn hiệu, biển báo… nhiều nơi còn bất cập, không đạt chuẩn… hoặc được sắp xếp như những cái bẫy đối với người đi đường, sẽ bất công nếu không khắc phục những điều đó trong khi chỉ nhắm vào phạt người dân.
Trước đó, ngày 31/12, một ngày trước khi Nghị định 168 có hiệu lực, VOA cho hay “Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là “tận thu”, “tận diệt”, “khắc nghiệt”, “cực đoan”.
VOA dẫn quan sát của nhà giáo Đỗ Việt Khoa, cho biết, các ý kiến trên mạng có chung nhận định là, Nghị định này “thể hiện sự cai trị ngày càng khắc nghiệt dành cho người dân”. Trong khi, “những vụ quan chức nhận hối lộ, tham nhũng, thất thoát hàng chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ chỉ bị xử phạt cảnh cáo”, mà ông Khoa nhấn mạnh rằng điều đó “rất là bất công”.

VOA dẫn tiếp nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, cho rằng, tăng mức xử phạt có thể làm giảm hành vi vi phạm, với điều kiện phải có đủ lực lượng chức năng, hoặc việc áp dụng “phạt nguội” phải khả thi.
Ông Thế Anh cảnh báo rằng, việc tăng mức xử phạt lên quá cao so với khả năng chi trả, sẽ làm cho tình trạng bỏ lại phương tiện gia tăng, hoặc làm gia tăng tình trạng tiêu cực giữa người xử lý vi phạm và người vi phạm.
Vẫn theo VOA, chuyên gia kinh tế Ngô Quý Nhâm và nhà bình luận Dương Quốc Chính cũng dự, nếu để mức phạt quá cao, người vi phạm có xu hướng thỏa hiệp, đưa hối lộ, càng làm tăng nạn tham nhũng.

Thu Phương – thoibao.de