Trần Sỹ Thanh tham vọng biến Hà Nội thành nơi “đáng sống” bằng chính sách “chặt chém”?

Trong ngày mùng 3 Tết, ông Trần Sỹ Thanh trả lời báo Tiền Phong rằng “Thành phố Hà Nội sẽ có cách làm thực chất để thay đổi căn cơ bộ mặt đô thị trong năm 2025, hướng tới mục tiêu làm cho môi trường sống của thành phố trong lành hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống”. Nói chung, ông Thanh muốn biến Hà Nội thành một thành phố đáng sống.

Cũng giống ông Nguyễn Thanh Nghị, vào mùng 3 tết năm ngoái, ông cũng lên sóng nói về hàng loạt chính sách, kể ra một mớ văn bản dưới luật sẽ ra trong năm 2024, để biến giấc mơ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thành hiện thực. Thế rồi trong năm 2024, ông không thể gỡ được điểm nghẽn nào. Giấc mơ nhà ở xã hội vẫn không thể nào đến với người nghèo. Nhiệm vụ chưa xong thì ông bỏ ghế tìm vị trí mới để tranh giành quyền lực. Dự án đầy tham vọng với ngổn ngang vấn đề chưa được giải quyết, ông để lại cho người kế nhiệm dọn dẹp.

Giờ đây, ông Trần Sỹ Thanh lại lặp lại kịch bản cũ của ông Nguyễn Thanh Nghị. Nhìn vào rất nhiều hạng mục mà ông nêu lên để biến thành phố Hà Nội thành nơi đáng sống, có thể chỉ một hạng mục nhỏ cũng cần một chính sách lớn cần thực hiện trong nhiều năm.
Ấy vậy mà, ông lại thích ôm đồm thực hiện rất nhiều việc. Từ thu ngân sách đến chỉ tiêu tăng trưởng, và làm sạch các dòng sông vv… toàn những vấn đề lớn. Những vấn đề ấy là những điểm nghẽn mà các đời Chủ tịch nước dồn lại. Chắc chắn, ông Trần Sỹ Thanh cũng sẽ lập lại lối mòn như ông Nguyễn Thanh Nghị, nghĩa là chỉ “nổ” trên báo để quảng bá hình ảnh chứ ông không hề thực hiện.
Sau khi ông Chu Ngọc Anh bị xộ khám, với lợi thế là người Nghệ An, Trần Sỹ Thanh vận động nhóm ủng hộ, đặc biệt là tiếng nói của Vương Đình Huệ, khi đó có ảnh hướng rất lớn đến quyết định của ông Nguyễn Phú Trọng.
Vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội được xem là bệ phóng, để vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ sau. Thông tin cho biết, ông Trần Sỹ Thanh, Hồ Đức Phớc và Phạm Thị Thanh Trà đang vận động sự ủng hộ của nhiều nhân vật lớn, để vào Bộ Chính trị vào Đại hội 14. Thực tế, ông Trần Sỹ Thanh chỉ xem ghế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội là bàn đạp tiến vào Bộ chính trị. Nếu thành công, ông cũng sẽ bỏ Hà Nội mà tiến lên vị trí khác.
Mới đây, bộ mặt Thành phố Hà Nội bị nhem nhuốc vì một quán bún chặt chém khách hàng với giá 1,2 triệu đồng cho 3 tô bún, giá tăng gấp 10 lần bình thường. Tuy quán đã bị áp lực đóng cửa nhưng vết nhơ của thành phố vẫn còn đó. Nạn chặt chém ở thành phố này từ lâu đã trở thành lời nhắc nhở với nhau của người Miền Nam. Cứ hễ nghe người nói giọng Miền Nam là tự động chặt chém. Tất nhiên, không phải tất cả trường hợp đều tương tự, nhưng đa phần đã khiến Hà Nội vốn thanh lịch thời kỳ trước cộng sản, giờ đây trở nên tệ hại.

Cũng mới đây, ông Trần Sỹ Thanh chỉ đạo cho Chính quyền thành phố, soạn thảo Nghị quyết nâng mức phạt lên gấp từ 1,5 đến 2 lần mức phạt của Nghị định 168, vốn đã làm cho thành phố rối loạn suốt 1 tháng qua. Thấy Tô Lâm và Lương Tam Quang “chặt chém” dân, Trần Sỹ Thanh cũng vung gương chém bồi. Cách quản lý như thế liệu có biến Hà Nội trở thành đáng sống được hay không? Ngay cả người Hà Nội còn cảm thấy khó sống thì nói chi đến người vãng lai?
Lâu nay người cộng sản cũng chỉ nói nhiều làm ít. Họ thường chỉ nói một đường nhưng làm một nẻo. Ngay cả ông Nguyễn Thanh Nghị dù có Tây học, thì vẫn là người rất cộng sản, ông không thành người nói là làm như nét ưu việt của giới lãnh đạo phương Tây được. Còn ông Trần Sỹ Thanh thì sao? Cũng sẽ chẳng làm gì để biến Hà Nội thành thành phố đáng sống ngoài những lời nói suông trên báo.

Thái Hà – Thoibao.de